Những thông tin cần biết về bệnh cúm mùa
NTTU – Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Khác với bệnh cảm thông thường, cúm mùa có thể để lại nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời
Trong đó virus cúm A – gây bệnh cúm ở chim và một số động vật có vú; virus cúm B – lây nhiễm cho hải cẩu và người nhưng không gây ra dịch; virus cúm C – ít gậy bệnh nhưng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đối tượng lây nhiễm virus cúm
Influenza virus thuộc họ Orthomyxoviridae virus là nguyên nhân chính gây nên bệnh cúm mùa, có thể chuyển biến từ nhẹ tới nguy kịch, lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc. Ngoài ra, nguồn lây nhiễm có thể bắt nguồn từ quá trình tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus như qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng… Sau khi phơi nhiễm, thời gian ủ bệnh từ 1 – 4 ngày, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường như sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, nhức đầu. mệt mỏi. Đặc biệt ở trẻ em còn xuất hiện hiện tượng ăn không ngon, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu không điều trị kịp thời, virus có thể xâm nhiễm đến các cơ quan trong cơ thể gây viêm phổi nặng, suy đa tạng dẫn đến tử vong chủ yếu ở trẻ từ 0–5 tuổi, người già trên 65 tuổi, hình thành dị tật thai nhi, sẩy thai, sinh non hoặc thai lưu ở phụ nữ từ lúc mang thai đến sau sinh 2 tuần, người mắc các bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan, máu hoặc béo phì, đối tượng dương tính với HIV/AIDS, bệnh nhân đang hóa/xạ trị hoặc sử dụng corticosteroid…
Quá trình lây nhiễm của Influenza virus trên vật chủ
Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO, hàng năm có khoảng 5–10% người lớn và 20–30% trẻ em mắc bệnh cúm A và B trên toàn cầu. Trong các đợt dịch, ước tính có khoảng 3 – 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000 – 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Riêng Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến 17/07/2022 đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 06/2022 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 05.
Tiêm phòng vaccine được coi là phương pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả nhất, có khả năng tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus đạt hiệu quả 97%. Phụ nữ có thai, trẻ em từ 6 tháng tuổi, người già, người có bệnh mạn tính là đối tượng cần được tiêm phòng cúm hàng năm bởi đây là nhóm nguy cơ mắc cúm cao và có khả năng bị biến chứng nặng hơn so với nhóm đối tượng khác. Thêm vào đó, cần che miệng khi hắt hơi, rửa tay đúng cách, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Giữ ấm cơ thể vào mùa mưa, sử dụng khẩu trang khi đi đường, áp dụng chế độ ăn uống và thể dục thể thao lành mạnh đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ bệnh.
Trần Thủy Tiên – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
- Hub scientists find circulating avian influenza viruses could create strains with pandemic potential (2022), The Pirbright Institute, Animal and Plant Health Agency
- Hye Suk Hwang et al (2022), Influenza–Host Interplay and Strategies for Universal Vaccine Development, Vaccines 2020, 8(3), 548; https://doi.org/10.3390/vaccines8030548
- https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/cum-mua-trong-boi-canh-ai-dich-covid-19