Hội chứng hậu COVID-19

NTTU – Hầu hết các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên, theo WHO có khoảng 10–20% người từng mắc SARS CoV-2 bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng được gọi là tình trạng hậu COVID-19 (hay còn gọi là hội chứng COVID kéo dài)

Di chứng hậu COVID-19

COVID-19 là hội chứng viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 gây ra với nhiều biểu hiện bệnh, từ không triệu chứng đến triệu chứng nặng nề đe dọa tính mạng và tử vong. Viêm phổi kẽ là tổn thương phổ biến nhất do SARS-CoV-2 gây ra, có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp, nguy cơ tử vong cao nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ngoài ra, một số triệu chứng khác bao gồm sốt, ho khan, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, suy nhược, tăng tình trạng viêm… Các biến chứng nghiêm trọng của COVID-19 bao gồm suy giảm chức năng của não, tim, gan, thận, chức năng đông máu.

Hầu hết các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, theo WHO có khoảng 10–20% người từng mắc SARS CoV-2 bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng được gọi là tình trạng hậu COVID-19 (hay còn gọi là hội chứng COVID kéo dài).

Hậu COVID-19 chủ yếu xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng nhưng cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai đã mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ hoặc mắc bệnh không có triệu chứng với biểu hiện chức năng ở nhiều cơ quan. Hội chứng này thường xảy ra trong 3 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 với triệu chứng kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi nhất là sau khi gắng sức, thở gấp hoặc khó thở, di chứng trên da – lông – tóc (rụng tóc, sang thương ở da như mề đay, ban đỏ, mụn nước…), suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, mất giấc ngủ, ho dai dẳng, đau tức ngực, đau đầu, đau cơ, mất – giảm – thay đổi vị giác, hoặc khứu giác, tiêu chảy, tăng nguy cơ huyết khối, trầm cảm, lo lắng, sốt, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, hội chứng tim nhanh…

Một số triệu chứng hậu COVID-19

Triệu chứng hậu Covid rất đa dạng, thường gặp ở tất cả các cơ quan. Tuy nhiên các triệu chứng trên hệ hô hấp phổ biến nhất. Chức năng phổi bất thường và thay đổi cấu trúc phổi được nhiều nghiên cứu đề cập. Tình trạng này có thể gặp ở bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến nặng và có xu hướng xuất hiện nhiều ở nhóm bệnh nhân nặng. Khoảng 35–70% bệnh nhân có các triệu chứng tương tự xơ phổi, phát hiện bất thường trên X-quang phổi trong khoảng thời gian 3 tháng sau khi điều trị khỏi COVID-19. Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần và chỉ còn 12–30% bệnh nhân gặp phải các triệu chứng kéo dài đến tháng thứ 6. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều thực hiện phân tích trên các nhóm bệnh nhân không đồng nhất với số lượng mẫu dao động từ 100–200 người, đồng thời thời gian chưa đủ lâu để đánh giá chính xác tác động lâu dài của COVID-19 đối với cơ thể con người nên các tỉ lệ chỉ mang tính chất tham khảo.

Ngoài ra, các dữ liệu sơ bộ gần đây cũng nhất mạnh về sự hiện diện của các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em và thanh thiếu niện với triệu chứng tương tự ở người lớn. Đáng chú ý là hội chứng viêm đa cơ quan xảy ra ở trẻ em (MIS-C Multisystem Inflammatory Syndrome in Children). Mặc dù hội chứng này ít gặp nhưng thường diễn biến nặng và có thể gây tử vong. Triệu chứng điển hình là trẻ sốt cao liên tục, nổi ban đỏ, xung huyết giác mạc, phù nề, rối loạn tiêu hóa, trường hợp nặng trẻ có tình trạng vật vã hoặc ngủ gà, li bì, tay chân lạnh, mạch nhanh, khó thở. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ tiềm ẩn cao của hậu COVID-19 ở nữ cao hơn so với nam giới.

Triệu chứng trên hệ hô hấp phổ biến nhất

Nguyên nhân của hậu COVID-19

– Thứ nhất, do sự xâm nhập của virus vào tế bào người trong thời gian nhiễm gây tổn thương cấu trúc và rối loạn chức năng của tế bào ở hàng loạt các cơ quan như hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, cơ xương khớp. Virus SARS-CoV-2 có xu hướng tấn công vào các tế bào có receptor AEC2 (Angiotensin Converting Enzyme 2) trên bề mặt – thụ thể protein giúp virus xâm nhập vào bên trong tế bào. Khi virus tấn công cơ thể, chúng có khả năng kích hoạt gia tăng các hóa chất trung gian gây viêm như interleukin 6, TNF-α (Tumor Necrosis Factor alpha) làm tình trạng đông máu gia tăng, kích hoạt phản ứng viêm gây ra cơn bão cytokine.

– Thứ hai, một số tác giả cho rằng sự tồn tại dai dẳng của các đoạn gen virus trong tế bào và dịch tiết của cơ thể người từng mắc bệnh có thể gây ra các phản ứng miễn dịch quá mức, biểu hiện là triệu chứng kéo dài dai dẳng. Ở một số người bệnh, ngay cả khi virus đã được loại bỏ hoàn toàn, hệ miễn dịch vẫn tiếp tục hoạt động quá mức hoặc rối loại gây ra các tình trạng suy nhược lâu dài.

– Thứ ba, các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch có thể là một yếu tố gây ảnh hưởng và gây ra các triệu chứng suy nhược thần kinh như mất ngủ, suy giảm trí nhớ… Thậm chí, các triệu chứng giả có thể xảy ra do người bệnh tự cho rằng mình mắc hậu COVID-19.

Thăm khám hậu COVID-19

Để xác định chính xác tình trạng và mức độ hậu Covid thì sau khi khỏi bệnh, dù triệu chứng nhẹ trong vòng 3 tháng đầu khỏi bệnh, người nhiễm nên đến cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi sức khỏe. Việc thăm khám sớm có thể giúp phát hiện và điều trị sớm các di chứng.

(Theo https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/coronavirus-disease-(covid-19)-post-covid-19-condition)

K. Kỹ thuật Xét nghiệm y học

Tin tức khácXem thêm