Cuộc thi viết Tri ân người thắp lửa – Tác giả Đào Thị Thùy
Trong hành trình học tập của mỗi người, có những thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chạm đến sâu thẳm tâm hồn, thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới và chính bản thân mình. Họ chính là những ngọn đèn, ánh sáng dẫn đường, chỉ lối và soi sáng những bước đi của chúng ta trên con đường trưởng thành. Chính ánh sáng ấy, ngọn đèn ấy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa đam mê, tình yêu nghề nghiệp và lòng nhân ái, dẫn dắt tôi vững vàng hơn trong những quyết định của cuộc đời.
Và đối với tôi, người giữ ngọn lửa ấy chính là cô Nguyễn Thị Phương Tâm – giảng viên tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Cô không chỉ đơn thuần dạy tôi kiến thức mà còn truyền cảm hứng cho tôi về cách sống và làm việc bằng cả trái tim. Cô đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi và cách nhìn nhận cuộc sống của tôi, giúp tôi trưởng thành hơn và nhận ra ý nghĩa sâu sắc của việc theo đuổi đam mê và phục vụ người khác.
Khi mới bắt đầu học môn Giải Phẫu do cô giảng dạy, tôi không có ấn tượng gì đặc biệt. Thậm chí, khi nhìn cô bước vào lớp, dáng vẻ mệt mỏi, tôi chỉ nghĩ rằng đây là một người giảng viên bình thường như bao người khác. Cô Tâm với mái tóc điểm bạc và những bước chân chậm chạp, nặng nề, đầy cẩn thận khiến cho tôi liên tưởng đến hình ảnh những người lớn tuổi trong gia đình tôi – những người đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống nhưng vẫn luôn tràn đầy nghị lực. Tôi từng nghĩ rằng cô chỉ đơn thuần dạy chúng tôi những bài học khô khan về Giải phẫu cơ thể người mà không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, tôi đã nhầm!
Môn Giải phẫu học tuy không phải môn chuyên ngành đầu tiên tôi học, nhưng tôi cũng biết được rằng là nó cũng chẳng phải một môn học dễ dàng. Nó đầy ắp những thuật ngữ khoa học phức tạp, những mô tả chi tiết về các hệ thống cơ thể mà với một sinh viên năm nhất như tôi, dường như là cả một thế giới mới lạ và khó hiểu. Ban đầu, tôi cảm thấy chán nản và không hứng thú với bài giảng của cô, những giờ học trôi qua một cách nặng nề và tôi dần mất tập trung, lạc trong những suy nghĩ riêng mà quên rằng, mỗi bài học cô đang truyền dạy là những kiến thức quý giá.
Sự thay đổi lớn đã đến khi tôi bắt đầu nhận ra cô không chỉ là một giảng viên dạy giải phẫu theo cách truyền thống. Cô không chỉ giảng giải về những khái niệm khoa học, mà còn lồng ghép vào những bài học đạo đức và trách nhiệm của chúng tôi với nghề nghiệp tương lai. Những câu chuyện thực tế từ nghề điều dưỡng của cô không chỉ làm cho bài học trở nên sinh động, mà còn thay đổi cách tôi nhìn nhận môn học này. Tôi bắt đầu hiểu rằng, Giải phẫu học không phải chỉ là kiến thức khô khan mà là nền tảng quan trọng để chúng tôi áp dụng vào việc chăm sóc bệnh nhân sau này. Mỗi lời giảng, mỗi cử chỉ và hành động nhỏ của cô đều mang ý nghĩa sâu sắc, giúp chúng tôi nhận thức rằng nghề điều dưỡng không chỉ là công việc mà còn là một sứ mệnh cao cả.
Với tôi, cô là một tấm gương về sự hy sinh thầm lặng. Bước đi của cô chậm rãi và nặng nề, tuổi của cô cũng đã ngang bằng với ông bà tôi. Thật khó để tưởng tượng rằng mỗi ngày, cô phải đi xe buýt hàng giờ đồng hồ từ nhà đến trường để dạy học. Khoảng cách từ nhà cô đến trường không phải ngắn và mỗi chuyến đi đều mang theo sự mệt nhọc. Dù vậy, cô không bao giờ than thở về điều đó mà vẫn đứng trên bục giảng với tinh thần hết sức vững vàng. Mỗi lần thấy cô bước vào lớp với nụ cười nhẹ trên môi, tôi đã cảm phục sự bền bỉ ấy.
Ở lớp, cô luôn nhắc nhở chúng tôi rằng sức khỏe không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là trách nhiệm với những người khác, cô khuyến khích chúng tôi hãy chăm sóc bản thân để có thể chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Đó là bài học về lòng yêu thương và sự tận tâm mà tôi sẽ mang theo suốt đời. Qua từng bài giảng, tôi cảm nhận được tình yêu nghề và sự hy sinh cao cả của cô dành cho nghề giáo và nghề điều dưỡng. Sự thầm lặng hy sinh của cô khiến tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng cần phải khoe khoang về những khó khăn mình đang gặp phải. Đôi khi, sự im lặng và kiên nhẫn cũng là một cách thể hiện sự mạnh mẽ. Cô đã dạy tôi rằng, thay vì than vãn về cuộc sống, tôi nên học cách đối mặt với khó khăn và tìm cách vượt qua nó.
Trong ký ức của tôi, có một sự kiện khiến tôi nhớ mãi, đó là buổi học mà cả lớp chúng tôi đã có thái độ không tốt đối với cô. Đó là một tiết học dài và chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản với những bài giảng. Thay vì chú tâm nghe giảng, chúng tôi nói chuyện riêng, chơi game trên điện thoại và không ai quan tâm đến những gì cô đang nói. Thật lòng mà nói, chúng tôi đã bỏ mặc cô đứng trên bục giảng một mình, lặng lẽ giảng bài trước những sinh viên không còn chút hứng thú nào.
Nhưng điều khiến tôi thực sự xúc động không phải là việc cô bỏ qua sự hỗn loạn của lớp học, mà chính là phản ứng của cô. Thay vì tức giận hay mắng mỏ chúng tôi, cô nhẹ nhàng nhắc nhở mà những lời ấy cho đến giờ tôi vẫn nhớ mãi: “Các em à, các em chính là những người điều dưỡng tương lai. Một ngày nào đó, các em sẽ là nguồn hi vọng của bệnh nhân và gia đình họ. Nhưng nếu ngay từ bây giờ, khi đang ngồi học những kiến thức quý giá này, các em lại không quan tâm, thì sau này làm sao có thể làm tốt công việc của mình? Biết đâu một ngày nào đó, người thân của các em, sẽ trở thành bệnh nhân của các em. Khi đó, liệu các em có đủ tự tin rằng mình sẽ chăm sóc tốt nhất cho họ?”
Lời nói của cô không hề to tiếng, không hề giận dữ, nhưng lại mang một trọng lượng lớn, đè nặng trong tâm trí tôi. Trên đường về nhà hôm đó, tôi không ngừng suy nghĩ về những gì cô đã nói. Tôi nhận ra rằng, bản thân mình đã quá vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng với những kiến thức mà cô đang truyền đạt. Những lời của cô không chỉ là lời nhắc nhở về việc học tập mà còn là một bài học về lòng nhân ái, về trách nhiệm với chính mình và với người khác.
Kể từ đó, tôi bắt đầu chú ý hơn đến những gì cô dạy, từ đó tôi đã cái nhìn hoàn toàn khác về việc học tập và nghề nghiệp tương lai của mình. Tôi hiểu rằng, môn Giải phẫu học không chỉ là việc học thuộc các chi tiết về cơ thể người mà còn là việc hiểu và trân trọng từng bộ phận, như cách mà một điều dưỡng viên phải trân trọng và chăm sóc từng bệnh nhân bằng chính trái tim biết yêu thương, quan tâm và làm mọi việc bé nhỏ nhất với một trái tim vĩ đại nhất. Và cũng chính lời nói ấy đã là nguồn động lực cho tôi.
Mỗi khi tôi cảm thấy chán nản, mỗi khi những bài học trở nên quá nặng nề, tôi lại nhớ đến hình ảnh cô Nguyễn Thị Phương Tâm, dù tuổi đã cao nhưng không ngại đường xa để mang lại cho chúng tôi những kiến thức và trải nghiệm quý báu. Tôi luôn tự nhủ rằng, nếu cô có thể vượt qua những khó khăn về tuổi tác, sức khỏe để cống hiến cho nghề giáo, thì tôi cũng phải cố gắng vượt qua những khó khăn nhỏ nhặt trong cuộc sống của mình.
Dù chỉ là một người giảng viên bình thường, không có những hào quang hay danh tiếng nổi bật, nhưng cô Nguyễn Thị Phương Tâm đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Những bài học mà cô truyền đạt không chỉ giúp tôi trưởng thành trong kiến thức mà còn trưởng thành trong cách nhìn nhận cuộc sống, cách đối xử với người khác. Cô đã dạy tôi rằng, nghề điều dưỡng không chỉ đơn thuần là một công việc, mà là một sứ mệnh – sứ mệnh mang lại sự chăm sóc, yêu thương và hy vọng cho những người bệnh. Tôi biết rằng, dù con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ những gì cô đã truyền dạy, tôi sẽ luôn bước tiếp với niềm tin vững chắc vào những giá trị mà cô đã gieo vào tâm hồn tôi.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em muốn gửi tới cô Nguyễn Thị Phương Tâm lòng biết ơn sâu sắc nhất. Em kính chúc cô thật nhiều sức khỏe để tiếp tục con đường giảng dạy. Những lời dạy của cô sẽ mãi mãi là ngọn đèn soi sáng con đường em đi, giúp tôi trở thành một người điều dưỡng với trái tim bao dung và yêu thương, giống như cô.
Bình chọn cho Tác giả Đào Thị Thủy tại: TẠI ĐÂY
Họ tên: Đào Thị Thùy
Lớp: 23DDD1C
MSSV: 2311557401