Vai trò quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia

NTTU – Sáng ngày 04/12/2024, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NIIC) đã phối hợp với SWISS EP Việt Nam và BK Holdings tổ chức thành công hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học: Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này

Diễn giả chính tại hội thảo là ông Kevin Murphy – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của J.E. Austin Associates, Inc. (Hoa Kỳ) và TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI).

Ngoài ra, đến tham dự chương trình còn có: ông Hub Langstaff – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Khởi nghiệp Thụy Sĩ (SWISS EP) tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, chuyên gia tài chính, Giám đốc chương trình của Chương trình Hỗ trợ Khởi nghiệp Thụy Sỹ; bà Nguyễn Thị Thủy – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam; bà Mary Bùi, Tổng giám đốc Sàn Gọi vốn Việt Nam – Viet Fundraising eXchange; ông Nguyễn Hữu Thi – Cố vấn Chiến lược Doanh nghiệp iSAM; các chuyên gia cùng lĩnh vực là đại diện các câu lạc bộ khởi nghiệp, các trường đại học khu vực phía Nam như  Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Công Thương TP.HCM…

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có: PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng nhà trường; TS. Hoàng Thịnh Nhân và ThS. Huỳnh Hồng Mai, Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp NIIC; đông đảo các thầy cô là trưởng phó các đơn vị phòng/ban/khoa/viện/trung tâm và các sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học: Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạolà dịp để các trường học, doanh nghiệp  gặp gỡ, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong việc phát triển mô hình đại học sáng tạo, qua đó nâng cao kiến thức, năng lực về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại đơn vị. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giữa các cơ sở giáo dục hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện chia sẻ các mô hình đại học tiên tiến trong việc phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đặc biệt là cùng các trường đại học Việt Nam hướng tới mục đích thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra môi trường hỗ trợ mạnh mẽ cho khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục.

Thay mặt Ban lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham dự cũng như phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Nhà trường, gửi lời cảm ơn đến SWISS EP và BK Holdings vì đã tin tưởng lựa chọn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức hội thảo ý nghĩa này. “Chúng tôi hi vọng chương trình lần này sẽ tạo ra nhiều cơ hội kết nối, học hỏi, và hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước“, PGS.TS. Trần Thị Hồng nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu đã được lắng nghe các chia sẻ thực tế các case study thành công và cùng Giám đốc điều hành của J.E. Austin Associates, Chủ tịch VNEI thảo luận chuyên sâu một số vấn đề liên quan đến mạng lưới đổi mới sáng tạo, vai trò của các trường đại học với các bên liên quan trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, 4 thông điệp đổi mới sáng tạo và mô hình 10 cầu nối trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – tác động, bài học kinh nghiệm và các phương pháp ứng dụng hiệu quả tại một số trường đại học hiện nay…

Diễn giả Kevin Murphy – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của J.E. Austin Associates, Inc.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nguy cơ phát triển chậm lại nếu không có sự chuyển mình. Để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Để cụ thể hóa mục tiêu này, theo ông Kevin Murphy, Việt Nam cần nhấn mạnh đổi mới sáng tạo phải là ưu tiên hàng đầu, trong đó vai trò của các trường đại học là phải xác định điều cần làm và cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu, đặc biệt là phải hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan (doanh nghiệp, đối tác, viện nghiên cứu…) kết hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, đầu tư và sáng kiến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đề cập đến các mô hình đổi mới sáng tạo hiện nay trên thế giới, ông Kevin Murphy cho biết, tại một số đất nước như Hàn Quốc, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp, tài trợ và tập trung vào nghiên cứu. Ở Mỹ, các doanh nghiệp tư nhân chủ động nghiên cứu, nổi bật trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế. Tại Thụy Sĩ thì có mô hình hợp tác ba bên Nhà nước – Nhà trường/viện nghiên cứu – Doanh nghiệp tư nhân với vai trò ngang nhau trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch VNEI

Nói về mạng lưới đổi mới sáng tạo, sứ mạng của các cơ sở giáo dục trong hệ sinh thái quốc gia (đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo), diễn giả TS. Nguyễn Trung Dũng cho rằng, đổi mới sáng tạo – trong giáo dục đại học là BẰNG kết quả nghiên cứu (sáng chế, giải pháp, mô hình kinh doanh, sự sáng tạo…) CỘNG VỚI khả năng thương mại hóa (thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ một cách trực tiếp ra doanh nghiệp, tạo lợi nhuận và sinh lời qua doanh thu/hoặc có thể triển khai theo hướng lâu dài là ươm tạo ra các công ty spin-off hoặc startup). Tựu chung lại là phải tạo được giá trị với các sản phẩm có thể “tung hoành” được trên thị trường.

Tại Việt Nam, vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (hiện còn mờ nhạt, chưa hiệu quả và nguyên nhân là từ GAP – khoảng cách giữa nhà trường và khởi nghiệp. Đó là sự không đồng bộ về nhiều yếu tố từ tư duy, kiến thức đến kỹ năng, công cụ thực hiện… Theo TS. Dũng, giải pháp để các trường kéo gần khoảng cách này lại phải tạo cầu nối, thường xuyên tổ chức và hỗ trợ một cách chuyên nghiệp trong thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp cho mọi đối tượng đam mê nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp cận các xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế không ngừng khẳng định danh tiếng và độ ảnh hưởng xã hội của Nhà trường; thu hút nguồn vốn – kết hợp doanh nghiệp để “ươm tạo” và “giữ chân” nhân tài.

Đặc biệt, các trường cần phải lựa chọn mô hình phù hợp – tùy vào chiến lược phát triển và nguồn lực sẵn có như chính sách, con người, kết quả và nội lực nghiên cứu, tài chính, khả năng quảng bá trong và ngoài trường… Hiện có 3 mô hình đổi mới sáng tạo đang được các trường đại học Việt Nam áp dụng. Trong đó, theo diễn giả Nguyễn Trung Dũng, Mô hình loại A – tận dụng các đơn vị có sẵn trong hệ thống của Trường (như Phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp, Hội sinh viên, Đoàn thanh niên…) để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, được đa số các trường đại học nước ta lựa chọn. Mô hình loại B: outsource ra các tổ chức hỗ trợ chuyên nghiệp, mô hình này sẽ phù hợp với các trường đơn ngành như ĐH Luật, ĐH Sư phạm, ĐH Mỹ thuật công nghệ; Mô hình loại C: là sự kết hợp của một nhóm các trường đại học follow một mô hình thúc đẩy trung gian, đây cũng hiện là mô hình mà ĐH Bách Khoa Hà Nội đang thực hiện và thu được một số thành tựu nhất định.

Với nhiều thông tin hữu ích từ chủ đề đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học mà các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu, khách mời cùng hai diễn giả cũng có phần thảo luận tương tác và hỏi đáp sôi nổi về tình hình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam giai đoạn hiện nay, cách để các trường đại học Việt Nam có thể tích hợp Mô hình 10 cầu nối vào chiến lược phát triển, mối liên kết 3 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp hay một số thách thức, cơ hội cụ thể mà các trường đại học gặp phải trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Các đại biểu tham gia thảo luận cùng các diễn giả tại chương trình

Bế mạc chương trình, PGS.TS Trần Thị Hồng đã gửi lời cảm ơn đến hai diễn giả với những chia sẻ rất hay về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, đặc biệt là hữu ích đối với một cơ sở giáo dục đại học như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với định hướng phát triển thành đại học đổi mới sáng tạo – được công nhận trong nước, khu vực, quốc tế thông qua sự sáng tạo không ngừng trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, cùng kiến tạo sự thành công cho người học và cộng đồng doanh nghiệp.

PGS.TS. Trần Thị Hông và đại diện NIIC tặng hoa, thư cảm ơn cho các đơn vị đồng tổ chức, các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hy vọng trong thời gian tới có thể được hợp tác cùng SWISS EP và BK Holdings và các chuyên gia trong lĩnh vực tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hình thành và phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong phạm vi các trường đại học nói riêng và cả nước nói chung.

 MÔ HÌNH 10 CẦU NỐI thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học

  1. Việc làm sinh viên: Nhà trường không chỉ đóng vai trò là nơi đào tạo mà còn phải tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trọn đời cho người học;
  2. Phát triển các chương trình cho cựu sinh viên: Bởi cựu sinh viên sẽ hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, có thể góp phần đưa ra nhiều giải pháp hữu ích và phù hợp để cải thiện chất lượng của hoạt động dạy và học tại trường;
  3. Giáo dục, quản lý và học tập trọn đời;
  4. Chú trọng thương mại hóa các nghiên cứu;
  5. Tư vấn – hướng nghiệp về các chương trình đào tạo: có chính sách khai thác nguồn lực tư vấn viên từ chính đội ngũ giảng viên – những người đầu tiên hiểu về ngành nghề mà chính bản thân đang tham gia đào tạo;
  6. Định nghĩa và đo lường các tiêu chuẩn về kỹ năng: nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra cho người học đáp ứng yêu cầu tuyển dụng từ các công ty, doanh nghiệp;
  7. Đào tạo tại chỗ kết hợp internship, các hoạt động về thực tập sinh: thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp, ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế;
  8. Triển khai các chương trình đào tạo tương thích với ngành (đang đạo tạo);
  9. Khảo sát các hoạt động, thu thập thông tin/nội dung… từ các đơn vị/doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia phản biện các chương trình đào tạo nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội;
  10. Thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động về nghiên cứu khoa học;

Tin bài: Thanh Hương

Ảnh: Ban Media

Tin tức khácXem thêm