Cuộc thi viết Tri ân người thắp lửa – Tác giả Trần Thị Ngọc Oanh
Ngạn ngữ Guzia có câu: “ Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Để có được hạt giống của kiến thức và hạt giống của hạnh phúc, phải chăng trên chặng đường tìm kiếm ấy mỗi cá nhân luôn một mình chiến đấu? Chắc chắn là không, bởi lẽ trong hành trình hiện thực hóa ước mơ của mỗi con người, quá trình tích lũy kiến thức luôn có sự đồng hành của những người chiến sĩ ngày đêm không ngừng cố gắng. Hơn ai hết, đó chính là những người thầy, người cô – thuyền trưởng tài ba luôn sát cánh bên thủy thủ chúng em vượt qua ngàn trung dương xa xôi, mở ra cho chúng em những ánh sáng mới. Hôm nay đây chúng em đang từng bước trưởng thành dưới mái Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thân yêu này, được thầy cô truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm quý báu để chúng em có thể trở thành những thủy thủ chinh phục hải trình tri thức trong tương lai không xa. Nhân ngày lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng em xin được gửi tặng đến thầy cô ngàn lời yêu thương, ngàn trái tim kính phục. Bằng tấm lòng thành kính, xin dành tặng đến người thuyền trưởng những lời tri ân sâu sắc.
Có những cơn gió chở về hoài niệm, thay cho tháng năm vội vã của đời người. Mới ngày nào nhập học, bỡ ngỡ và lạ lẫm với môi trường đại học, giờ đây cô bé đến từ vùng đất Tây Nguyên đậm mùi cà phê đã trở thành một cô sinh viên năm hai và đang trong quá trình hoàn thiện bản thân, phát triển tư duy và nâng cao kỹ năng tại mái Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngôi trường mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày ấy, là ngày đầu tiên em được đặt chân tới lớp học với môn học “Tư duy phản biện” của giảng viên Nguyễn Thanh Phi Vân, cứ ngỡ đó sẽ là một buổi học bình thường và không mấy hấp dẫn giành cho cô tân sinh viên này. Nhưng không, đó là một buổi học đáng nhớ của tân sinh viên năm nhất, “lôi cuốn và kích thích”, chính xác hơn là “chấn động”. Và có lẽ, chính buổi học ấy đã đánh thức em trong những mơ hồ khi bước chân vào môi trường đại học. Khác xa tưởng tượng và chính môn học mà giảng viên dạy ngày đó là một môn học quan trọng, là nền tảng vững chắc để mỗi cá nhân sinh viên, đặc biệt là bản thân em có thể học tập một cách có hiệu suất. Không những giúp ích trong môi trường đại học mà còn hữu ích cho công việc sau này. Chính thầy đã cho chúng em được trọn vẹn tiếp thu kiến thức, để mỗi buổi học là một thiên đường.
Nhớ như in, buổi chiều hôm ấy là một ngày cận kề cuối tháng 11 với thời tiết khá thoải mái và không quá oi bức. Nhìn lịch học là buổi đầu tiên học môn học “Tư duy phản biện” và giảng viên giảng dạy là Nguyễn Thanh Phi Vân. Lúc ấy, trên đường bon bon tới trường trong đầu tôi nghĩ rằng: “tên giảng viên như vậy chắc là giảng viên nữ dạy rồi đây”. Tới lớp, vừa mở cửa phòng học ra, là một người đàn ông chừng bốn mấy, gần năm mươi tuổi đang kéo rèm cửa sổ phòng học và một suy nghĩ khác lại nảy ra trong trí óc tôi: “Chắc thầy ấy là người đến kiểm tra thiết bị phòng học ấy nhỉ, chứ giảng viên dạy mình là nữ cơ mà”. Sau đó, tôi bước vào ghế ngồi, cùng lúc ấy thầy bước lên bục giảng và ngồi vào bàn giảng viên. Ánh mắt tôi nhìn thầy và thầy cũng nhìn tôi, thật vô lễ, không một lời chào…
Khi các bạn đã tới lớp, ngồi vào ghế học. Cứ ngỡ là thầy sẽ giới thiệu đôi nét về bản thân thầy. Thầy tên gì? Thầy dạy môn nào? Thầy có những dấu mốc kinh nghiệm nào để “flex” với cả lớp? Mục tiêu của môn học này là gì? Học môn này có những ích lợi gì trong quá trình học tập?… Nhưng không, thầy bắt đầu lớp học bằng câu hỏi “Gặp thằng mất dạy, em sẽ làm gì?” và chiếc micro đã hướng về phía tôi, thật hồi hộp và lo sợ làm sao. Nhịp tim nhanh dần, do dự, im lặng vài giây; tôi đã trả lời câu hỏi của thầy là: “Nếu là em thì việc làm đầu tiên là em sẽ tránh đi ạ.” Thầy ghi lên bảng câu trả lời của tôi, sau đó, chuyển micro cho bạn tiếp theo và các bạn khác, thật trùng hợp khi câu trả lời của chúng tôi đều đa phần như nhau, tránh né người ấy. Kế tiếp, thầy lại đặt câu hỏi cho chúng tôi rằng: “Vậy là thầy mất dạy nên các bạn né tránh và không có một lời chào?”. Thật đáng suy ngẫm, có lẽ, những bạn trẻ, kể cả bản thân tôi đã đánh mất lời chào hỏi trong giao tiếp? Lúc này, tôi mới thấm câu hỏi mà thầy ấy đặt ra cho lớp, mà người đầu tiên trả lời là tôi. Thật đáng trách và đó chính là bài học đầu tiên của cô sinh viên năm nhất, dù đó không phải là bài học xa lạ mà chính là bài học cũ đang dần phai mờ nhạt đi, con người ngày càng trở nên ít nói và ít giao tiếp hơn trước, đặc biệt là thế hệ các bạn trẻ. Thầy đã phân tích, chỉ ra, đưa ra ví dụ để sinh viên thấu hiểu tận tường, hơn nữa chính là bản thân sinh viên tự suy nghĩ và đưa ra câu trả lời, tự hình thành lối tư duy. Đây là lần đầu tiên mình được gặp một người thầy đáng quý như vậy, cách giảng dạy đặc biệt và gây ấn tượng. Quả thật là một cách dạy hữu hiệu và đáng được nhân giống!
Chưa kết thúc ở đó, câu hỏi tiếp theo mà thầy đưa ra cho chúng tôi, một câu hỏi tưởng chừng như sẽ không có trong chương trình dạy học, đó là: “Ma có tồn tại không?”. Khi thấy câu hỏi này, cả lớp đã òa lên vì bất ngờ, ngỡ ngàng. Câu hỏi có phần hóc búa vì chẳng ai trong chúng tôi có thể trả lời được và chứng minh, đưa ra lý lẽ, dẫn chứng để chứng tỏ ma có thực sự tồn tại hay không. Chia nhóm cùng trả lời câu hỏi, mỗi nhóm sẽ đưa ra một câu trả lời và giải thích vì sao lại có và vì sao lại không? Lúc này, tôi thực sự không hề quen các bạn trong lớp, mới đến lớp thì có thể quen ai, biết ai trong lớp được cơ chứ. Chính thầy đã giúp chúng tôi gắn kết để đến bây giờ, tôi đã quen được rất nhiều bạn, hơn thế những người bạn ghép chung nhóm ngày ấy, giờ đã trở thành nhóm bạn thân. Tôi có bạn, có người đồng đội và bắt đầu cùng nhau chinh phục những mục tiêu đang còn dở dang trong những năm tháng thanh xuân tại mái trường ấy.
Trở lại với câu hỏi mà thầy đặt ra cho cả lớp. Nhóm chúng tôi sau khoảng thời gian tìm hiểu, đáp án của nhóm chúng tôi là ma không tồn tại vì khoa học chưa chứng minh được, chưa ai mô tả được hình dáng, thấy chúng một cách chân thực; sau đó các nhóm khác lần lượt trả lời, có nhóm cùng đáp án với chúng tôi, có nhóm thì không vì các bạn cho rằng ma có tồn tại, bởi họ đã từng nhìn thấy hoặc nghe ông bà cha mẹ kể lại. Sau một khoảng thời gian tranh luận với nhau, cuối cùng thầy đã không đưa ra câu trả lời là nhóm nào đúng, nhóm nào sai, mà là: “Buổi học cuối thầy sẽ trả lời!”. Và rồi kết thúc buổi học đầu tiên của cô gái ấy, có quá nhiều bài học đáng giá trong ngày hôm ấy, đặc biệt là được gặp một người giảng viên giỏi giang như thầy. Mặc dù, buổi học ấy chúng tôi không nhận được đáp án chính xác, nhưng sâu thẳm, chúng tôi đã nhận được nhiều hơn là câu đáp án mà chúng tôi mong muốn biết. Những buổi học sau đó, là chuỗi ngày mà đám sinh viên chúng tôi tới lớp được đồng hành cùng nhau để tìm dẫn chứng, lý lẽ, tìm hiểu và đưa ra câu trả lời mà đề bài yêu cầu. Đề bài chính là những điều bạn sẽ áp dụng sau khi hiểu rõ định nghĩa về chúng, đưa ra ví dụ cụ thể, có tính xác thực. Hơn thế, thầy còn định hướng học tập cho chúng tôi để có thể đưa ra quyết định đúng cho con đường phát triển của mỗi cá nhân, thực trạng chung của sinh viên hiện nay, công việc học tập tới những lối tư duy.
Rồi cũng đến buổi học cuối của môn học này, chúng tôi mong chờ hơn hết đáp án từ thầy vì chúng tôi muốn biết đáp án là ma có thực sự tồn tại hay không, điều mà chúng tôi tìm hiểu có đúng hay không. Kết quả là: “Bạn có thấy ma thật bao giờ chưa, hình dáng chúng thế nào, tóc chúng màu gì và bạn có sờ được ma không? Như không khí, chúng ta không thể nhìn thấy nó, nhưng nó vẫn tồn tại, ma có thực sự có tồn tại hay không thì các nhà khoa học chưa chứng minh được. Và đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Ma có thực sự tồn tại hay không?”.
Những kiến thức mà giảng viên Phi Vân đem lại cho môn học này là quá giá trị, từ tạo lập mối quan hệ với bạn bè, kỹ năng làm việc nhóm cho tới những bài học sâu sắc và ý nghĩa. Thêm vào đó, bản thân mỗi sinh viên tự biết đặt câu hỏi, tại sao lại như vậy mà không phải như kia, tại sao, tại sao và tại sao… từ đó phát triển cũng như trau dồi những nhận thức để trở nên hoàn thiện hơn trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức. Để mỗi ngày đến trường là một bài học, một câu chuyện hay và thiết thực. Hơn thế nữa, thầy còn giáo dục các bạn sinh viên về đạo đức và lối sống, đưa ra những lời khuyên, động viên để giúp đỡ sinh viên thực hiện được hoài bão.
Cuối cùng, em rất biết ơn giảng viên Nguyễn Thanh Phi Vân, chắc có lẽ thầy không nhớ tới em, nhưng em rất mong khi vào chuyên ngành có thể được gặp lại thầy!
Có những cơn gió chở về nỗi nhớ niềm thương thay cho những mát lành sờn cũ. Mong trên đường đời của nghề, tất cả Thầy Cô đều có thể cười và khóc trong niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hài lòng và viên mãn tận tâm. Cảm ơn cơn gió hôm nay đã chở chúng ta về một khung trời kí ức tuyệt đẹp bên Cô Thầy – những người giáo viên ta đã yêu thương và kính trọng. Chúc mừng Thầy, chúc mừng Cô, chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11!
Bình chọn cho Tác giả Trần Thị Ngọc Oanh tại: TẠI ĐÂY
Họ tên: Trần Thị Ngọc Oanh
Lớp: 23DTMDT1C.
MSSV: 2311559624