Cuộc thi viết Tri ân người thắp lửa – Tác giả Nguyễn Ý Thơ
Mọi người thường nói: “Cấp 3 thật sự rất đắt, đáng giá bằng một nghìn ngày nắng đẹp nhất của thanh xuân. Là những ngày nắng vàng ươm, là những ngày vô lo vô nghĩ, là khoảng thời gian ngây ngô nhất hay những lần chạy hối hả vào lớp cho kịp tiếng trống vào học”. Ngày ấy, chỉ có thời gian vừa dài vừa rộng nhưng rồi chớp mắt một cái, những đứa trẻ ấy đã phải lớn, phải bước ra đời cùng với những ngây thơ khờ dại. Có lẽ đối với tôi, giây phút tôi phải bước vào đời, phải trưởng thành là khi tôi bắt đầu điền nguyện vọng vào trang website xét tuyển. Ngày đó là ngày tôi sẽ phải tự quyết định rằng tôi sẽ sống cả đời mình với nghề gì, con đường như thế nào mới đúng để sau này không phải hối hận. Tôi của lúc ấy không lúc nào là không suy nghĩ băn khoăn, hoang mang, tôi không biết được bản thân cần gì và muốn những gì. Vì vậy nhờ gia đình, bạn bè và bản thân tự tham khảo, tôi quyết định chọn Điều dưỡng – một ngành nghề trong khối ngành sức khoẻ. Thú thật vào thời điểm ấy, đây chỉ là một sự lựa chọn an toàn và phù hợp nhất đối với tôi. Tôi không có mục tiêu rõ ràng và cũng chưa biết mình sẽ làm gì trong thời gian tới.
Và rồi, ngày ấy cũng đã đến, ngày tôi chính thức là một phần của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, một môi trường mới để tôi gửi gắm thanh xuân, gửi gắm tương lai của mình và là đứa con của khoa Điều dưỡng, một thành viên của lớp 23DDD2A. Như đã nói ở trên, tôi quyết định theo học ngành điều dưỡng, một ngành nghề mà thậm chí tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ theo đuổi. Tôi không ngừng đắn đo, lo lắng vì không biết ngành này có hợp với mình hay không, không biết đây có phải là một sự lựa chọn có quá nguy hiểm và liều lĩnh. Cũng bởi vì khi ấy, tôi chỉ tìm hiểu ngành nghề này qua lời nói miệng của mọi người xung quanh và thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt qua sự tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi chỉ nhận lại những thông tin tiêu cực và lan man, mà chính bản thân còn không biết là đúng hay sai. Trạng thái này kéo dài mãi cho đến tháng 12 năm 2023, khi tôi bắt đầu học môn Nhập môn điều dưỡng. Chính khoảng thời gian và môn học này đã cho tôi một cơ hội được gặp một người phụ nữ đáng kính, người ấy giúp tôi thay đổi suy nghĩ, củng cố tư tưởng cũng như đến và trao cho tôi chiếc chìa khoá để bản thân tôi mở ra một con đường mới. Quan trọng hơn, người ấy cũng giúp tôi nhận ra rằng, tôi đã đi đúng hướng, chọn đúng nghề, xác định lại mục tiêu của bản thân để thời gian sau này tôi sẽ nhờ đó mà cố gắng nỗ lực, cô đem lại những kiến thức hữu ích để làm bước đệm cho tôi trên con đường học tập và làm việc trong thời gian tới.
Người đã tạo động lực mạnh mẽ để tôi vững vàng bước tiếp trong bốn năm đại học đó là TS. Trần Thị Châu. Vinh dự khi giới thiệu người làm thay đổi tôi chính là cô Trưởng khoa Điều dưỡng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Thật không ngoa khi nói rằng cô là một người vừa có tài vừa có đức lại còn vừa dịu dàng, ân cần với sinh viên chúng tôi.
Nếu nói rằng dạy học chính là nghệ thuật giúp ai đó khám phá thì cô Châu chính là một nghệ sĩ thuần thục trong ngành nghề cao quý này. Sỡ dĩ tôi khẳng định chắc chắn như vậy là vì khi vừa mới gặp cô, tôi vô cùng bất ngờ vì cô đã có tuổi nghề lâu năm, phong thái của cô toát lên vẻ đẹp của tri thức, sáng bừng một thần thái của điều dưỡng chuẩn mực. Cô dễ gần, bước đi nhẹ nhàng, ánh mắt cô quan sát nhìn qua lớp cũng rất đỗi khác biệt so với những giảng viên tôi đã gặp gỡ ở những môn học trước. Có lẽ rằng, khi lần đầu cô nhìn lớp tôi, những gương mặt mới toanh, non nớt, hồn nhiên của những cô cậu sinh viên mang tâm hồn hiếu học, trong sáng, luôn trong tư thế sẵn sàng để học hỏi, ánh mắt của cô như đang muốn bộc bạch điều gì đó. Có thể cô đang vui, thấy tự hào vì lần này, cô lại tiếp tục đồng hành với một thế hệ mới, những ngọn chồi mới chớm nở.
Khi nghe cô giới thiệu cô là trưởng khoa của khoa mà tôi đang theo học, tôi lại càng thêm hứng thú và tò mò hơn. Ấn tượng nhất về cô đối với tôi chắc chắn là giọng nói êm dịu, truyền cảm, cô không gắt gỏng, không nghiêm khắc. Tuy nhiên, lời nói cô nói ra vô cùng quyền lực, lời nói đó tuy nhỏ nhẹ nhưng vẫn khiến cho các bạn trong lớp tôi phải im lặng nghe cô phổ biến, nghe cô truyền đạt. Dường như cô hiểu tâm lí của sinh viên bọn tôi nên khi giảng bài cô hay lồng ghép thêm câu chuyện cuộc đời của cô cho chúng tôi nghe. Với bản thân tôi, đây là một phương pháp dạy tuyệt vời, vì tôi có thể nghe cô nói mà quên đi thời gian học, quên mất đi thói quen liên tục xem đồng hồ canh giờ tan lớp giống những môn học trước.
Thầy cô cấp ba là người điều hướng chỉ dẫn ta chọn nghề nghiệp phù hợp, còn thầy cô đại học giúp ta thêm vững tin củng cố nghề nghiệp chăng? Tôi tin điều này là hoàn toàn đúng, bởi cô Châu đã làm cho tôi thay đổi nhận thức của mình về nghề nghiệp mà tôi theo học và đồng hành trong tương lai. Nếu như trước đó, tôi theo học với tâm thế bị động, chán nản thì giờ đây, cô dạy cho chúng tôi nghe về khái quát quy trình chẩn đoán điều dưỡng, cách chăm sóc người bệnh. Cô truyền đạt chính xác thông tin về ngành điều dưỡng, gạt đi những thông tin sai lệch mà trước đó tôi đã tiếp nhận qua truyền thông, mạng xã hội. Tôi cũng biết được rằng, ngành điều dưỡng sẽ rất khó khăn và cực khổ khi làm việc, nguồn thu nhập cũng không mấy cao. Tôi lo lắng mình sẽ không kham nổi và dần chán nản đi, nghi ngờ bản thân và nghi ngờ sự lựa chọn này nhiều hơn. Trong thời khắc ấy, cô Châu đã điều hướng, hướng dẫn cho tôi những kĩ năng cần thiết nhất để trở thành một người điều dưỡng thực thụ, một tâm lí sẵn sàng rộng mở để chấp nhận, yêu thích thì mới đón nhận kiến thức một cách tích cực được. Cô dạy cho tôi biết những yếu tố cần thiết để trở thành người điều dưỡng là phải yêu nghề, phải có y đức, phải cẩn thận tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm cao, có tính kiên nhẫn, chịu được áp lực và khả năng học hỏi và cách giao tiếp hiệu quả. Quan trọng hơn cả là tầm quan trọng và hướng đi phát triển ngành điều dưỡng trong tương lai.
Chỉ khi giảng viên là người điều dưỡng thì mới có thể truyền lửa ngành nghề của mình cho sinh viên. Cô chẳng hề giấu diếm khi chia sẻ cho chúng tôi nghe những khó khăn khi đang làm việc, từ điều nhỏ cho đến điều lớn. Nhưng lạ thật, khi nghe cô truyền đạt, tôi lại có cách nhìn khác so với lúc tìm hiểu trên mạng. Có lẽ là vì khi cô kể cho chúng tôi nghe những điều khó khăn ấy thì cô vẫn song song đưa ra thêm giải pháp cho những trường hợp đó, điều này giúp tôi dập tan đi sự hoang mang, e ngại của nghề. Hẳn là do, cô đã có khoảng thời gian dài để gắn bó, trải nghiệm nên có mới có thể thắp lửa cho một người mông lung như tôi có thể tìm được ánh sáng, giúp tôi vững tin vào nghề hơn. Ngoài ra cô gửi gắm với chúng tôi một điều rằng: sự đam mê là một điều kiện cần thiết để thúc đẩy chúng tôi trong học tập, chúng tôi cần phải trang bị các kiến thức tốt nhất, bởi lẽ người điều dưỡng là người phải có trí tuệ, có trái tim nhân hậu và kĩ năng giao tiếp tốt thì mới có thể thành công trong nghề nghiệp.
Đối với tôi, bài học tâm đắc nhất là cô giúp tôi được bước ra khỏi vòng tròn chật hẹp do chính bản thân tôi tạo ra – vòng tròn ấy làm giới hạn khả năng, năng lực, tầm nhìn, hiểu biết nông cạn về ngành nghề. Từ đó, chúng tôi có thể thắp sáng được ngọn lửa ham học, tinh thần trách nhiệm đối với nghề, cho tôi nhận ra được đây là nghề đáng quý. Để thắp sáng đam mê ấy, cô Châu đã thực hiện song song việc dạy lý tuyết cũng như tạo điều kiện để chúng tôi được đi tham quan bệnh viện. Riêng bản thân tôi, tôi cảm nhận được rằng hôm ấy, khi đi tôi không phải là người bệnh hay người chăm sóc người bệnh, mà lần này tôi được khoác lên mình bộ đồng phục của điều dưỡng viên, cảm giác thật khác biệt. Tôi có thể cảm nhận được ngay sứ mệnh trách nhiệm cao cả như lời cô Châu truyền dạy, nhìn thấy người bệnh cần được chăm sóc tôi mới có thể thay đổi cách nhìn khác về nghề. Những người bệnh ấy cần những người điều dưỡng như chúng tôi, những điều dưỡng tương lai tận tuỵ và ân cần. Sau khi tham gia tham quan bệnh viện về, cô cho chúng tôi thực hiện làm bài thuyết trình nhằm mục đích chia sẻ cho nhau nghe những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân đối với nghề. Khi ấy tôi mới phát hiện ra rằng không phải một mình tôi mông lung với con đường mình chọn mà nhiều bạn khác cũng vậy. Sau những buổi học ấy và sau tất cả những gì cô đã truyền dạy và chia sẻ, trong tôi như đang muốn nhen nhóm lên tia lửa của hy vọng, có thể trong tương lai tôi không chắc tôi sẽ trở thành một điều dưỡng thành công, tôi không biết sau này mình có phải là người yêu nghề hay không nhưng chắc chắn hiện tại tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Nghề nghiệp không làm nên danh giá cho con người mà con người sẽ là yếu tố quyết định để tạo nên danh giá cho nghề nghiệp.
Đối với cô Châu, tôi cảm nhận được cô vẫn là một ngọn nến đang cháy để có thể chiếu sáng cho thế hệ sau này. Đặc biệt hơn tất cả, cô giúp tôi biết lấy niềm tin của mình để lấn át nỗi sợ, ý thức được rằng giáo dục làm cho con người có thể tìm thấy chính mình. Cô là người mẹ, người giảng viên tận tuỵ, chân thành, mộc mạc, cô dạy bằng cả trái tim chứ không phải chỉ ở trên sách vở.
Là một sinh viên đang bước qua năm hai, chính là sự đồng hành của cô Châu đã giúp đỡ chúng tôi trên con đường chinh phục ước mơ, hoài bão. Riêng bản thân, tôi nhận thấy sự hiểu biết và ý thức của mình càng ngày càng được tiến bộ, tôi có ý thức hơn trong vấn đề học tập cũng như chịu trách nhiệm và kỉ luật với bản thân mình trong thời gian tới. Do vậy từ nguồn động lực to lớn đó, tôi đã ôn tập thật kĩ môn này để có thể thi kết thúc môn thật tốt, không ngoài dự đoán tôi đã giành về cho mình con điểm khá cao, con điểm tuyệt đẹp đầu tiên ở giảng đường đại học. Con điểm ấy như là động lực, là một khởi đầu tốt đẹp để làm bước đệm cho con đường sắp tới mà tôi đi.
Cả một đời, ta học qua nhiều thầy cô giáo, nên đôi khi sẽ không nhớ hết để biết ơn, mỗi một người khi đi qua đều để lại một bài học đắt giá. Tuy cô Châu mới đồng hành cùng tôi mỗi môn Nhập môn điều dưỡng, song tôi vẫn luôn trân trọng, biết ơn cô. Biết ơn vì cô đã dành cả tấm lòng với môn học này, biết ơn vì nhờ cô tôi mới có thể tạo ra cho mình một lý do khiến tôi trở thành một điều dưỡng tương lai. Cảm ơn cô người truyền lửa vào những ý chí đang dần bị dập tắt, những tinh thần đang trì trệ và những đam mê đang bị vùi lấp, cảm ơn và biết ơn thật nhiều vì đã được gặp cô, người dẫn dắt và trở thành ngôi sao sáng trong những năm tháng sinh viên và cuộc sống sau này của chúng tôi.
Cận kề cuối tháng 10 đầu tháng 11, không khí trong trẻo cũng là ngày chúng ta hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhà giáo – một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, những con người luôn làm việc trong âm thầm nhưng không kém phần vĩ đại. Nhân dịp này, tôi muốn gửi gắm tâm tình của mình đến cô Châu cũng như tất cả thầy cô, những người lái đò đã và sẽ đưa con đò đi qua những con nước xiết hay phẳng lặng để con đò được cập bến thành công, viên mãn nhất, hoàn hảo nhất.
“ Một tia lửa nhỏ có thể châm ngòi cho một vụ cháy lớn” – Donte Alighieri.
Và cô TS. Trần Thị Châu trưởng khoa điều dưỡng “Trường Đại học Nguyễn Tất Thành” chính là nhân chứng sống cho câu nói ấy.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Bình chọn cho Tác giả Nguyễn Ý Thơ tại: TẠI ĐÂY
Họ tên: Nguyễn Ý Thơ
Lớp: 23DDD2A
Mssv: 2311559837