Cuộc thi viết Tri ân người thắp lửa – Tác giả Nguyễn Dương Hoài Trọng

CẢM TÌNH CHÂU THỔ

“Cô dân miền Tây mà!” là câu nói mà chúng tôi nhớ mãi về một người giảng viên có chất giọng hào sản của người phụ nữ Đất mũi Cà Mau. Và hình như cái chất dân dã ấy đã định hình phong cách giảng dạy của Hậu, nó gần gũi như một buổi tâm tình của người đi trước dành cho kẻ đi sau. Chúng tôi lấy điều này làm hạnh phúc trong những học phần mà cô giảng dạy, vì có những kiến thức mà không phải sinh viên nào cũng có thể hiểu, qua cô, chúng tôi đã đi sâu vào chuyên ngành mà không hề hay biết.

Với cô Hậu, sự nghiệp giáo dục phải lấy sinh viên làm trọng tâm, chúng tôi cảm thấy may mắn khi được làm học trò của cô. Những giáo án được chăm chút từng chữ một bởi cô là một người làm báo, việc coi trọng đến từng con chữ đã trở thành tính cách, điều này cũng là một bài học lớn. Cô dạy chúng tôi: “nghề này, bút sa thì gà chết!”

Trong hơi thở của cô rất rõ mùi thời đại, nghĩa là cô đem những cái mới vào lớp để cùng học với sinh viên, tính tương tác hai chiều rất rõ ràng trong khi cô giảng dạy khiến lớp chúng tôi hào hứng hơn bao giờ hết. Điển hình như trong môn Viết tin và tường thuật, ở mỗi buổi học sẽ có những vấn đề cực nóng của xã hội mà một sinh viên truyền thông cần phải biết, chúng tôi được tham gia vào bàn luận như những người đang làm truyền thông thật thụ.

Trong triết lý giáo dục của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thực học phải đi với thực hành, đó cũng là triết lý giảng dạy của cô. Mỗi tiết học truyền thông của cô Hậu luôn đầy màu sắc với những ấn phẩm mà chúng tôi được sản xuất tại lớp. Hay trong môn Tổ chức và hoạt động trong cơ quan truyền thông, cá nhân chúng tôi nhận thức đây không phải là một môn dễ học, chú trọng vào thực hành, cô nói: “Khi tìm hiểu và thực hành thiết kế mô hình toà soạn, các bạn sẽ hiểu được cách thức tổ chức và hoạt động hơn là việc cô trình chiếu mô hình ấy cho các bạn xem. Vậy nên không những riêng cho môn này, môn nào cũng vậy, thực hành là một việc cực kỳ quan trọng”. Có lúc, trong vài giờ đồng hồ, phòng photo của cơ sở quận 12 đầy những tờ báo, những bài truyền thông của học trò cô Hậu. Với cô, nộp bài chỉ là phụ, cái cô muốn là những sản phẩm do chính tay sinh viên làm ra.

Trong nỗ lực đào tạo ra một thế hệ sinh viên tiếp nối sự nghiệp của các thầy cô trong khoa Truyền thông sáng tạo, ngoài nghề nghiệp, cô còn dạy chúng tôi làm người, đặc biệt là người nhà báo. Cô dạy chúng tôi biết rằng với người làm báo, người làm truyền thông thì đạo đức nghề nghiệp là cái cực kì quan trọng. Đám sinh viên chúng tôi như đã khắc cốt ghi tâm những lời ấy tự bao giờ, quyết giữ gìn cho được cái gọi là “đạo đức nghề nghiệp” mà cô đã nói. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin này, truyền thông là một trong những ngành “hot” nhất của thế kỷ 21, từ sự quan trọng ấy, cô chỉ chúng tôi cách đứng vững giữa những làn sóng truyền thông cả tích cực lẫn tiêu cực.

Ở đầu bài chúng tôi đã nói cô là dân miền Tây, thế nên mỗi sản phẩm chúng tôi làm ra cô nhận xét rất thật lòng, nhưng là thật lòng một cách tinh tế. Có lẽ cũng chính vì thế mà không có một sinh viên nào buồn lòng vì cô cả, điều này còn cho thấy sự công tâm và đạo đức của nghề giáo. Với cô, mỗi thành viên trong lớp trước là sinh viên như nhau, sau là tuỳ vào mỗi sinh viên cô sẽ có nhiều cách giảng dạy cho phù hợp. Chúng tôi xem đó như một nghệ thuật riêng của cô. Đôi khi cũng có những sinh viên có chút khó bảo, cô vẫn ân cần chỉ dạy vì cô biết các bạn ấy có khả năng, chỉ cần một chút bỏ nhỏ sẽ giúp các bạn tốt lên. Là bỏ nhỏ chứ không hề bỏ rơi.

Trong đời sinh viên, hạnh phúc lắm khi có một người thầy như thế. Người đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa của nghề, người đã hết lòng vì chúng tôi.

“Thưa cô Hậu, chúng em sẽ tiếp nối ngòi bút của cô. Quyết tâm trở thành một người làm truyền thông chân chính, để đóng góp vào ngành truyền thông và báo chí của nước nhà, đồng thời đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng em biết những gì cô chỉ dạy là cực kì quan trọng với chúng em, nên chúng em xin hứa sẽ “gối đầu giường” những lời tâm huyết ấy. Nhân ngày 20 tháng 11 năm 2024, chúng em xin chân thành tri ân người thầy của mình, Thạc sĩ Lê Kim Hậu”.

Bình chọn cho Tác giả Nguyễn Dương Hoài Trọng tại: TẠI ĐÂY

Họ tên: Nguyễn Dương Hoài Trọng

Lớp: 22DTD1A

MSSV: 2200003933

Tin tức khácXem thêm