Vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học

NTTU – Những ngày gần đây, thông tin về các trường hợp học sinh bị ngộ độc thức ăn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Giải pháp nào để đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn của trường học đang là câu hỏi mà mọi người đặt ra. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo của mọi người dân. Khi cả xã hội đang quyết liệt đấu tranh với vấn nạn thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa cơm của mỗi gia đình thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ ngay ở các trường học. Song việc ngăn chặn, loại bỏ những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang là bài toán nan giải.

Định nghĩa vệ sinh an toàn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều khâu có liên quan đến thực phẩm như nông nghiệp, thú y, cơ sở chế biến thực phẩm, y tế, người tiêu dùng…

Các tác nhân gây nhiễm bẩn thực phẩm

  • Sự bùng nổ dân số làm khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, trong đó nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống thiếu thốn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng với đô thị hóa nhanh dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống của người dân, thúc đẩy phát triển dịch vụ ăn uống trên hè phố tràn lan, khó có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm chế biến ngày càng nhiều, các bếp ăn tập thể gia tăng… là nguy cơ dẫn đến hàng loạt vụ ngộ độc.
  • Ô nhiễm môi trường: Sự phát triển của các ngành công nghiệp dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến vật nuôi và cây trồng. Mức độ thực phẩm bị nhiễm bẩn tăng lên, đặc biệt là các vật nuôi trong ao hồ có chứa nước thải công nghiệp, lượng tồn dư một số kim loại nặng ở các vật nuôi cao.
  • Sự phát triển của khoa học công nghệ: Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến thực phẩm làm cho nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn ngày càng tăng do lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trong rau, quả; tồn dư thuốc thú y trong thịt, thực phẩm sử dụng công nghệ gen, sử dụng nhiều hóa chất độc hại, phụ gia không cho phép, cũng như nhiều quy trình không đảm bảo vệ sinh gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát.

Từ những tác nhân trên tạo tiền đề cho những nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm biểu hiện là những hành vi cẩu thả, thiếu trách nhiệm của bạn có thể gây tội ác không lường trước được.

Tác hại ngộ độc thực phẩm

  • Nhiễm độc tiềm ẩn: là sự nhiễm các chất độc hại dưới ngưỡng có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính; có thể bị nhiễm liên tục hoặc không liên tục; có thể sau một thời gian không biết trước sẽ có: ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai…
  • Bệnh mạn tính: là bệnh mắc phải, có biểu hiện phát bệnh lặp lại thường xuyên hoặc theo chu kỳ; có thể do di chứng của ngộ độc cấp hoặc do hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn tới liều gây bệnh; có thể trở thành bệnh khó chữa hoặc không chữa khỏi.
  • Bệnh bán cấp tính (ngộ độc thức ăn): các rối loạn tiêu hóa hoặc thần kinh nhẹ, hoặc các triệu chứng cấp tính, có thể tự chữa khỏi hoặc tự khỏi.
  • Bệnh cấp tính (ngộ độc thức ăn): các triệu chứng trước đây tương đối điển hình và bệnh nhân cần đến sự can thiệp của bác sĩ.
  • Biểu hiện rối loạn tiêu hóa: nôn, tiêu chảy (gồm cả đi tiêu ra máu), đau bụng.
  • Biểu hiện rối loạn thần kinh: rối loạn cảm giác, nhức đầu, mệt lả, hôn mê, liệt chi.
  • Các rối loạn chức năng khác: thay đổi huyết áp, bí tiểu…

Cải thiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học

Nhiều trường học liên tục để xảy ra các vụ việc mất an toàn thực phẩm trong những ngày gần đây. Điều này khiến rất nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi và thắc mắc: Vì sao thực phẩm “bẩn” lại có thể dễ dàng lọt vào trong trường học.

Về giải pháp, trước tiên cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác tập huấn các kiến thức cơ bản về chế biến thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho những người tham gia vào bếp ăn tại các trường học, không chủ quan, lơ là. Về phía các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm đảm bảo nguồn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hàng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục – y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất với những bếp ăn trong trường học, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Mong rằng với những nỗ lực kiểm soát an toàn vệ sinh tại bếp ăn tập thể của các trường học, trách nhiệm của các nhà trường, của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm… sẽ mang lại những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt là an toàn, vì một thế hệ an toàn khỏe mạnh.

Đặng Thúy An

Tin tức khácXem thêm