“Chúng tôi đánh giá cao năng lực quản trị chiến lược phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành”
… Đó là chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc ĐH quốc gia Hà Nội, Chủ tịch sáng lập UPM nhân dịp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thực hiện đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo theo Hệ thống đối sánh chất lượng UPM. Ban biên tập Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có buổi trao đổi với GS.TS. Nguyễn Hữu Đức và TS. Trần Ái Cầm, hiệu trưởng nhà trường để có cái nhìn toàn diện hơn cho sự kiện này.
Thưa TS. Trần Ái Cầm, trước hết xin chúc mừng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có 4 chương trình đào tạo thuộc nhóm định hướng ứng dụng được gắn sao UPM. Thưa cô, được biết tháng 08/2020 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt 4 sao theo Hệ thống đối sánh chất lượng UPM dành cho các trường đại học theo định hướng ứng dụng, năm 2022, đặc biệt là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 Nhà trường lại tiếp tục có thêm 4 chương trình đào tao thuộc nhóm định hướng ứng dụng được gắn sao của UPM, cô có thể chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị của nhà trường để có kết quả này?
Năm 2020, sau một thời gian vừa nghiên cứu bộ tiêu chuẩn, vừa thực hiện đối sánh và cũng triển khai các công tác tự cải tiến, tháng 08/2020 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt 4 sao theo Hệ thống đối sánh chất lượng UPM dành cho các trường đại học theo định hướng ứng dụng. Tiếp theo thành công đó, Nhà trường đã triển khai bộ tiêu chuẩn của hệ thống này cho các chương trình đào tạo. Đặc biệt, sự tham gia của các chương trình đào tạo là hoàn toàn chủ động, đến từ hai nhóm ngành là công nghệ kỹ thuật và khoa học xã hội và nhân văn. Kết quả của quá trình đối sánh là khá đa dạng, điều này đã cho thấy sự tự tin của Nhà trường cũng như tinh thần của 4 chương trình đào tạo vì khoảng thời gian thực hiện đối sánh cũng là khoảng thời gian TP. HCM bùng dịch COVID-19 rất nghiêm trọng.
TS. Trần Ái Cầm, hiệu trưởng nhà trường
Thưa cô, với kết quả này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành trường đại học ngoài công lập đầu tiên có nhiều chương trình đào tạo thuộc nhóm định hướng ứng dụng gồm Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Quản trị Nhà hàng và dịch vụ ăn uống? Vậy cô có thể chia sẻ vì sao Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lại chọn tham gia vào Hệ thống đối sánh chất lượng gắn sao UPM?
Lý do nhà trường chọn Hệ thống đối sánh chất lượng gắn sao UPM vì bộ tiêu chuẩn của hệ thống này rất tương đồng với tầm nhìn sứ mạng của nhà trường, đó là hướng đến đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và tài nguyên số, chuyển đổi số. Đây là minh chứng cho thấy sự nhất quán trong định hướng phát triển của nhà trường cũng như sự phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học nói riêng và xã hội nói chung.
Vậy định hướng phát triển của Trường trong giai đoạn tới là gì? Liệu nhà trường có tiếp tục tham gia Hệ thống đối sánh chất lượng gắn sao UPM cho các chương trình đào tạo khác không?
Theo Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đặt ra sứ mạng là cung cấp nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập và có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động trong và ngoài nước. Dự kiến, trong thời gian tới nhà trường tiếp tục tham gia hệ thống đối sánh gắn sao cho một số chương trình đào tạo, mặt khác nhà trường tiếp tục cải tiến chất lượng để đạt tiêu chuẩn 5 sao theo Hệ thống đối sánh chất lượng UPM. Để làm được điều này chúng tôi mong muốn nhận được sự góp ý từ những chuyên gia trong lĩnh vực, ngoài ra nhà trường sẽ đề xuất phương án cải tiến để nâng cao chất lượng đào tạo, về chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình đào tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…. nhằm đáp ứng được các tiêu chí đối sánh của UPM đưa ra.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của TS. Trần Ái Cầm
Kính chào, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, cảm ơn GS đã tham gia vào buổi trò chuyện này, thưa GS tiêu chí đối sánh chất lượng và gắn sao mà UPM áp dụng đánh giá cấp cơ sở giáo dục cũng như các chương trường đào tạo đại học là như thế nào? Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã “chinh phục” những tiêu chí này ra sao?
Chúng ta đã khá quen thuộc với xếp hạng đại học và kiểm định chất lượng giáo dục. Ở những góc độ khác nhau, các hoạt động này đều là những thước đo chất lượng đại học. Xếp hạng tập trung vào một số ít các tiêu chí định lượng và chỉ là sân chơi cho khoảng 3% tổng số các trường đại học. Còn lại khoảng 97% với 27 nghìn trường đại học thế giới hầu như không có cơ hội tham gia. Kiểm định chất lượng đi vào chi tiết, có tính pháp nhân cao, nhưng trong nhiều trường hợp lại thiên về đánh giá nguyên lý và định tính. Hiện nay đang có xu hướng tích hợp cả hai tiếp cận đó: xếp hạng (ranking) và kiểm định chất lượng thành xếp hạng đối sánh (rating hoặc audit), vừa so sánh với một bộ tiêu chí chuẩn, vừa xếp hạng theo nhóm 1-5 sao; đánh giá cả chính sách và kết quả đầu ra. Cũng như QS stars, UPM đi theo tiếp cận mới này. Như vậy kết quả gắn sao của UPM hỗ trợ kiểm định chất lượng và giúp mường tượng rõ hơn chất lượng cụ thể của từng cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo. Ngoài ra, với việc phân loại đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng và phân loại theo lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, khoa học xã hội… UPM là có thể áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh và phân khúc thị trường giáo dục đa dạng. Theo đó, qua đánh giá, UPM cho thấy Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang “chinh phục” một chiến lược quản trị chất lượng và thương hiệu rất chủ động. Cam kết đảm bảo chính sách “Thực học, thực hành, thực danh – thực nghiệp” với tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo rất năng động. Ngoài ra, một số chỉ số cụ thể như: mức độ hài lòng của người học, việc làm của cựu sinh viên, công bố quốc tế cũng rất khả quan.
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc ĐH quốc gia Hà Nội, Chủ tịch sáng lập UPM
Vậy thưa GS, việc gắn sao này đem lại lợi ích như thế nào cho Nhà trường và sinh viên?
Như đã nói ở trên, việc gắn sao UPM như một “gương soi” giúp nhà trường đối sánh, kiểm tra xem trường đang ở mức chất lượng nào; tiêu chuẩn nào mạnh, lĩnh vực nào còn bất cập. UPM là công cụ quản trị chiến lược và thương hiệu của nhà trường, đồng thời cũng là phương thức “ba công khai” tin cậy và minh bạch với xã hội. Với thông tin khá chi tiết như vậy, đặc biệt là việc gắn sao cho các chương trình đào tạo, UPM có thể giúp sinh viên chọn trường, chọn ngành học phù hợp. Vĩ mô hơn, khi có cơ sở dữ liệu đủ lớn, UPM còn có thể là “túi khôn” với nhiều nghiên cứu điển hình, có thể tư vấn chính sách cho các trường và cả các bộ, ngành.
Với vai trò là người sáng lập của UPM đồng thời là cố vấn chuyên môn cho Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong quá trình Trường thực hiện đối sánh chất lượng theo UPM, ông đánh giá thế nào về nỗ lực và thành quả của Nhà trường?
Không chỉ cá nhân tôi mà một số chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục đều có đánh giá tốt về cách làm và bước đi của nhà trường. Thực tế đã cho thấy, không có một trường đại học nào có thể có chất lượng nếu không biết quản trị đại học, hơn thế nữa, các trường đại học có thể đi xa và phát triển bền vững chỉ khi có chiến lược phù hợp và khả thi với thực lực của mình. Chúng tôi đánh giá cao năng lực quản trị chiến lược phát triển. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chủ trương phát triển theo định hướng nghiên cứu, không định hướng phát triển dựa vào R&D mà dựa vào đổi mới sáng tạo phi R&D, đào tạo nâng cao năng lực hấp thụ và tiếp nhận công nghệ, từ đó thực hiện đổi mới sáng tạo mở. Mô hình này cũng đang được áp dụng cho nhiều trường đại học trong cả nước. Ngoài năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chúng tôi đang tư vấn cho nhà trường về chuyển đổi số, chuyển đổi trúng hơn, trọng tâm hơn để không chỉ dừng lại với việc dạy trực tuyến trong thời covid mà phải giúp chuyển đổi mô hình đào tạo, thúc đẩy đào tạo cá nhân hóa, đặc biệt còn trang bị được những kỹ năng số cần thiết cho công dân 4.0.
Xin cảm ơn GS.TS. Nguyễn Hữu Đức và TS. Trần Ái Cầm đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Kính chúc Thầy, Cô sức khỏe và hạnh phúc.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành