“3 người lính ngự lâm” của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Gọi các chàng trai, cô gái ấy là những “ngự lâm quân” cũng không có gì quá bởi họ chính là những “chiến sĩ” trên “mặt trận” nghiên cứu khoa học là những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Ở vòng chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ XIX năm 2017, đề tài nghiên cứu có tên “Phân lập và lựa chọn chủng vi sinh vật có khả năng phân giải màu dệt nhuộm Congo Red” do nhóm Congo Red, sinh viên khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa gồm Nguyễn Hồ Cát Dung, Nguyễn Xuân Bình, Phan Thị Mỹ Hạnh được trao giải 3. Chúng ta cùng gặp gỡ để nghe “3 ngự lâm quân” này chia sẻ về đề tài cũng như giải thưởng này nhé.

NTTU: Xin chào, các bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân được không?

Congo Red: Nhóm mình có 3 thành viên, Trưởng nhóm là Nguyễn Hồ Cát Dung hiện đang học lớp: 13DTNMT05, bạn nam đẹp trai nhất nhóm là Nguyễn Xuân Bình, lớp: 14DTNMT02, thành viên cuối cùng của nhóm là Phan Thị Mỹ Hạnh lớp: 14DTNTMT02. Bọn mình đều là “thần dân” của khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa, có cùng thời gian tham gia nghiên cứu là 1,5 năm.

NTTU: Vì sao nhóm các bạn lại chọn đề tài này?

Congo Red: Hiện nay, dệt nhuộm là một ngành công nghiệp của Việt Nam, nó mang lại lợi ích kinh tế rất cao, giúp phát triển kinh tế đất nước tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng mang lại những tác hại tới môi trường vì trong thành phần thuốc nhuộm có rất nhiều chất hóa học, nhất là các loại thuốc nhuộm tổng hợp gồm các loại hoàn nguyên, thủy phân, thuốc nhuộm hữu cơ azo. Theo một nghiên cứu cho thấy nếu những chất thải này thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các loại sinh vật thủy sinh, động, thực vật sống ở dưới nước. Con người tiếp xúc trực tiếp với với các loại hóa chất này lâu ngày sẽ gây ra các bệnh ngoài da, biến đổi gen, ung thư. Do đó, việc xử lý được chất thải, thuốc thải dệt nhuộm này là vấn đề cấp thiết, đó là lý do bọn mình chọn đề tài này.

      

Chân dung 3 “nhà khoa học trẻ” của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 

NTTU: Phương pháp xử lý của các bạn về vấn đề này như thế nào?

Congo Red: Có nhiều phương pháp xử lý trong đó có 2 phương pháp xử lý chính là sử dụng vật liệu hấp phụ và sử dụng phương pháp hóa lý keo tụ tạo bông, tuy nhiên những phương pháp này chưa được xử lý triệt để, có một số hạn chế như chi phí để sử dụng hóa chất cho quá trình đó rất cao. Sau quá trình xử lý của 2 phương pháp trên sẽ xuất hiện loại bùn hóa phẩm, mà loại bùn nay là chất thải nguy hiểm cần được xử lý trước khi thải ra môi trường nên rất tốn kém chi phí. Từ đó bọn mình mới suy nghĩ tìm phương pháp sinh học để xử lý tức là dùng vi sinh vật để xử lý độ màu, phân giải màu nhuộm. Phương pháp sinh học này nó có nhiều lợi ích, và khắc phục được nhược điểm của 2 phương pháp trên vừa tiết kiệm chi phí lại thân thiện với môi trường, tính bền vững cao, không sinh ra bùn hóa phẩm.

   
 

Th.s. Trần Thành,  Giảng viên hướng dẫn đề tài của nhóm, cho biết:  “Đây chỉ là thành quả khởi đầu trong dự án Make The World Greater của các bạn sinh viên khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa. Hiện nay, môi trường có quá nhiều  loại chất hóa học và tạo thành nhiều chất thải nguy hại cho môi trường, do đó, mục tiêu các bạn là muốn sử dụng khả năng tự làm sạch tự nhiên của môi trường làm từ những vi sinh vật nhỏ bé tồn tại quanh chúng ta và phát triển nó lên để có thể xử lý sạch, triệt để, tiết kiệm mà không gây ô nhiễm môi trường”.

NTTU: Những khó khăn nào các bạn gặp phải trong quá trình thực hiện?

Congo Red: Rất nhiều khó khăn, đầu tiên là tài liệu nghiên cứu về đề tài này rất hiếm ở Việt Nam, bọn mình phải lên mạng tìm tài liệu tiếng Anh rồi dịch ra. Tiếp theo là do làm về vi sinh nên cần độ chính xác cao, thời gian để thực hiện khá lâu (khoảng 14 ngày). Thứ 3 là để lấy mẫu vật tụi mình phải nhờ vào sự quen biết để lấy nước thải từ một công ty nhuộm ở khu công nghiệp Long An rồi mang về phân lập. Làm việc nhóm thì không thể tránh được tranh luận nhưng bọn mình tranh luận theo hướng xây dựng và đều hướng tới mục tiêu làm cho đề tài tốt hơn. Tuy nhiên, bọn mình không đơn độc trên con đường nghiên cứu, bởi luôn có thầy cô hướng dẫn, lãnh đạo khoa Môi trường – Thực phẩm – Hóa, Ban giám hiệu Nhà trường bên cạnh động viên và hỗ trợ nên tụi mình đã cố gắng vượt qua.

NTTU: Cảm xúc của các bạn khi nhận được giải thưởng của cuộc thi?

Congo Red: Rất bất ngờ và không tin nhóm mình giành được giải 3 vì thấy đề tài của các trường bạn rất hay và độc đáo. Tuy nhiên,  đây là phần thưởng ghi nhận công lao của cả nhóm và bọn mình xứng đáng có được nó. Đây cũng là kỷ niệm tuyệt vời của Cát Dung trước khi ra trường.

 

Để có được giải thưởng này, nhóm đã làm việc miệt mài để tạo ra một công trình nghiên cứu mang tính cộng đồng

NTTU:  Định hướng tương lai của nhóm là gì?

Congo Red: Bọn mình sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành đề án chung này, sau đó sẽ có những dự định tương lai riêng. Việc xử lý nước thải là vấn đề của cộng đồng, để thực hiện điều này phải bỏ rất nhiều thời gian và phải có đam mê. Nhóm mình mong rằng, các bạn sinh viên năm nhất, năm hai sẽ kế thừa và phát huy đề án này vì sắp tới tụi mình cũng ra trường và theo đuổi những dự định riêng. Dù không trực tiếp làm chung nhưng tụi mình sẽ hỗ trợ hết mình để các em hoàn thành dự án này.

NTTU: Cảm ơn các bạn vì những chia sẻ thú vị vừa rồi. Chúc các bạn thành công với những gì mình chọn lựa. 

Bài: Phượng Nguyễn

Ảnh: Nhóm Congo Red 

Tin tức khácXem thêm